Hội nghị khuyến nông toàn quốc chủ đề:"Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" |
Ngày 24/3, tại TP. Nha Trang đã diễn ra hội nghị khuyến nông toàn quốc năm 2023 với chủ đề: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh; ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 300 cán bộ khuyến nông trên cả nước. Toàn cảnh Hội nghị
Hoạt động khuyến nông nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời triển khai các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn. Đây là nội dung quan trọng được nêu ra tại Hội nghị. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng 466 mô hình trình diễn, quy mô trên 4.000ha cây trồng các loại; 20.320 con gia súc, gia cầm; 138ha và 8.473m3 mặt nước nuôi trồng thủy sản; lắp đặt hệ thống hầm bảo quản, nhật ký điện tử cho 24 tàu khai thác hải sản xa bờ; ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa với quy mô trên 400ha… Đến nay, lực lượng cán bộ khuyến nông từ Trung ương đến cấp xã có hơn 12.000 người, trong đó 61/63 tỉnh, thành phố có tổ chức Khuyến nông. Hoạt động thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục được đổi mới, đa dạng loại hình để phù hợp với nhiều đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông. Các chương trình phát thanh về khuyến nông của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đến các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kịp thời đưa thông tin về khoa học kỹ thuật đến với đông đảo bà con. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra 5 định hướng hoạt động đồng hành với nông dân, nâng cao hiệu quả các dự án khuyến nông. Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, huy động tham gia triển khai và góp vốn đối ứng từ các doanh nghiệp, đối tác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, lan tỏa của các dự án, mô hình khuyến nông. Theo đó, nội dung và phương pháp khuyến nông sẽ được đổi mới bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cây con chủ lực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số. Đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu nhiệm vụ. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện ngành nông nghiệp chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế. Do đó, hệ thống khuyến nông cũng phải chuyển mình để tiếp cận đến đa gia trị trong sản xuất nông nghiệp, tiếp cận giá trị kinh tế, hiệu quả và tăng trưởng xanh. “Chính vì vậy hoạt động khuyến nông không thể nào duy trì hoạt động khuyến nông truyền thống, mà chúng ta phải chuyển đổi, đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tiếp cận hiện đại hơn, tiếp cận nông nghiệp gia tăng giá trị, hiệu quả sản xuất”. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông tiếp cận nông nghiệp đa giá trị, tức là ngoài giá trị nông sản là chính, thì bây giờ tích hợp cả kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tích hợp cả làng nghề sản phẩm OCOP, nông thôn mới; cũng như tiếp cận tích hợp nông nghiệp với du lịch, định hướng cho người nông dân trong sơ chế, bảo quản. Trước đây khuyến nông chủ yếu làm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần thì bây giờ từ hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng sẽ đưa nhiều lực lượng khác tham gia vào khuyến nông. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, công tác khuyến nông trong năm 2023 tiếp tục tập trung vào các sản phẩm chủ lực phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường; xây dựng và phát triển mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ; tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ tư vấn khuyến nông; hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số… HNN (tổng hợp) |