Chuyển tư duy từ nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao In
Xem kết quả: / 0
Bình thườngTuyệt vời 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT


Chuyển nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 132/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Thông báo nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển ngành nông nghiệp: Ba trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực.

Hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống cho người nông dân; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và thị trường. Nông nghiệp-nông thôn-nông dân phải tiếp tục góp phần ổn định chính trị, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang liên kết giá trị ngành hàng, chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, khởi tạo chuyển đổi số.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu và thúc đẩy sản xuất lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; quyết liệt thực hiện các biện pháp giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng”, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để huy động được nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.

Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; khẩn trương rà soát kiểm kê rừng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp toàn quốc, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội phù hợp.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bộ chủ trì, cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, triển khai thực hiện Dự án di dời dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

PHẠM ĐÔNG (Báo Lao động)