Khoảng cách về giáo dục STEM với thế giới không xa vời |
Trong quá trình tham gia thúc đẩy giáo dục STEM, cô Đào Thị Hồng Quyên - một giáo viên trẻ và năng động ở Nam Định, nhận thấy, “khoảng cách về giáo dục STEM giữa Việt Nam và thế giới không xa vời như mình tưởng”, và trở ngại nằm ở chỗ các thầy cô chưa tự tin vào chính mình và còn tâm lý phụ thuộc “giáo án mẫu”. Không có khuôn mẫu nào cho các bài giảng STEM
Cứ đầu năm học, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên lại cùng các học trò của mình ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) tuyển quân cho câu lạc bộ STEM. Là trường chuyên duy nhất của tỉnh, Lê Hồng Phong tập trung học sinh xuất sắc nhất ở khắp các quận, huyện từ thành phố đến nông thôn của Nam Định. “Chỉ cần hỏi một chút sẽ biết ngay hồi cấp 2 các em có được đào tạo về STEM hay không”, cô Quyên cười và nói. Học sinh ở các huyện Nam Trực hoặc Trực Ninh gần như đều đã được học lập trình kéo thả từ lớp 7-8. Trong khi đó, có những nơi, kể cả ở thành phố, không phải lúc nào học sinh cũng được tiếp xúc với nghiên cứu, thí nghiệm hay robotics.
Cô Đào Thị Hồng Quyên thực hành với giả lập môi trường không trọng lực tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ năm 2017.
Thành quả đó đến từ sự đóng góp không nhỏ của thế hệ đầu tiên đem giáo dục STEM về khu vực nông thôn cách đây 4-5 năm mà cô Đào Thị Hồng Quyên là một nhân tố tích cực.
Khi mới bước chân vào nghề giáo hơn 8 năm về trước ở trường quốc tế Wellspring, Hà Nội, dù khái niệm giáo dục STEM chưa “định hình” trong đầu nhưng cô Quyên - lúc đó là giáo viên môn Sinh học - và các đồng nghiệp đã chủ động làm những thí nghiệm vui, đồng thời tổ chức nhiều buổi đưa học sinh đi tham quan thực địa.
Đem tinh thần đó đến trường THPT Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), cô không chỉ lôi kéo các đồng nghiệp và học sinh say mê thực hiện những thí nghiệm Vật lý – Hóa học đơn giản trong lớp mà còn dần dần hình thành mô hình câu lạc bộ để hoạt động thường xuyên hơn. Cô và các đồng nghiệp cũng cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin trong bài giảng để tăng sự hứng thú cho học sinh.
Cô Đào Thị Hồng Quyên (áo dài trắng) cùng các học sinh trong CLB STEM Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Ảnh: NVCC
“Ở Mỹ Lộc, chúng tôi có cảm giác thoải mái hơn trong cách dạy”, cô chia sẻ. “Giáo viên ở đây có tinh thần ủng hộ và học hỏi rất cao. Bản thân hiệu trưởng, dù là giáo viên môn Văn, nhưng hết sức khuyến khích khoa học kỹ thuật. Điều này khiến giáo viên có thể thử nhiều cách tiếp cận mới”. Đó là giai đoạn 2013-2017, khi phong trào giáo dục STEM bắt đầu bén rễ ở Việt Nam.
Suốt 4 năm dạy học ở đây, dù điều kiện trường còn khó khăn và thiếu thốn, nhưng chính sự nhiệt tình chân chất và những say mê trong sáng của học sinh đã khiến cô và các đồng nghiệp có thêm động lực.
Tuy nhiên, không phải ngôi trường nào cũng dễ dàng chấp nhận thử thách những điều mới mẻ như vậy khi hàng loạt câu hỏi - giáo dục STEM là gì; liệu nó có xuất hiện rồi biến mất như một số phong trào không đầu không cuối; và nó có gì khác với những dự án tương tự đã triển khai như dạy học tích hợp liên môn, dạy theo chủ đề,… - chưa có câu trả lời rõ ràng.
Đứng trước một vấn đề mới lạ, cô Quyên đã dành không ít thời gian để tìm hiểu. Không chỉ đọc tài liệu hay trao đổi với những người cùng chí hướng, cô còn liên tục tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu để nâng cao năng lực cho bản thân.
Học sinh Trường Chuyên THPT Lê Hồng Phong, Nam Định, làm “đại sứ STEM” tại trường THCS Trần Đăng Ninh trong cùng thành phố năm 2019. Ảnh: NVCC
Bước ngoặt lớn nhất đối với cô giáo trẻ này là khóa tập huấn ngắn hạn về Giáo dục STEM và Khoa học vũ trụ tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ - một bảo tàng ở TP Huntsville, Alabama - vào năm 2017. Tình cờ đọc được thông tin về chương trình và nhanh chóng nộp đơn đăng ký, để rồi được chấp nhận tài trợ học bổng vì đã “bắt đầu giảng dạy STEM cho một thế hệ nhà khoa học mới”, cô Quyên hăm hở lên đường mà không ngờ rằng đây sẽ là chuyến đi làm thay đổi toàn bộ tầm nhìn giáo dục của mình.
Trong gần 100 giáo viên đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại khóa học, cô là một trong những người hiếm hoi làm việc ở nông thôn. Suốt một tuần, các giáo viên được học hỏi về thiết kế và phóng tên lửa, mô phỏng trạm không gian ISS, lập trình robot, thử thách sống sót trong môi trường nước khi tàu vũ trụ về Trái đất, thiết kế robot tự hành trên sao Hỏa…
Tưởng chừng những vấn đề khoa học vũ trụ “cao siêu” đó chẳng mấy liên hệ với các bài giảng cho học sinh cấp 3, nhưng với cô, tất cả để lại ấn tượng không thể quên. Cô chợt nhận ra, khoảng cách về giáo dục STEM ở Việt Nam và thế giới không xa vời như mình đã tưởng. Mỗi chủ đề mà cô trải nghiệm đều được xây nên từ những bài toán cơ bản mà “bất kì giáo viên khoa học nào trên thế giới đều có thể tự tổ chức”. Thực tế, có tới 1/3 số hoạt động học hỏi về khoa học vũ trụ hoàn toàn không cần đến bất kỳ máy móc tân tiến hiện đại nào, cô kể.
Học sinh Trường Chuyên THPT Lê Hồng Phong, Nam Định, tự tổ chức các gian hàng giới thiệu thí nghiệm khoa học tại ngày hội STEM vào tháng 3/2019. Ảnh: NVCC
Điều này đã giúp cô tự tin hơn khi về nước và tham gia cùng Liên minh STEM (một tập hợp các chuyên gia và nhà giáo dục tâm huyết đang nỗ lực thúc đẩy giáo dục STEM ở Việt Nam) tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố.
Cô chia sẻ, “Điều thú vị là nếu chưa đi Mỹ mà đưa ra các bài dạy đó thì mọi người sẽ tò mò hỏi ‘Có thế thôi sao?’; nhưng khi mình đã trải nghiệm quốc tế và bảo, ‘ở bên Mỹ họ cũng dạy như vậy’, thì mọi người lại ngạc nhiên nói ‘Ồ, thế à’.”
Cô thừa nhận, khi đó, mặc dù chưa thật nhiều kinh nghiệm nhưng các anh chị trong Liên minh STEM đã tin tưởng và trao cho cô trọng trách truyền cảm hứng: “Hãy nhìn xem, cô giáo trẻ này là minh chứng hùng hồn rằng bất kì giáo viên khoa học nào – dù đến từ nông thôn hay thành thị - cũng có thể tổ chức tốt các hoạt động STEM”.
Theo cô, thực tế, trình độ của các giáo viên Việt Nam đã khá tiệm cận với thế giới nhưng “trở ngại nằm ở chỗ các thầy cô chưa tự tin vào chính bản thân mình và bị tâm lý phụ thuộc ‘giáo án mẫu’.”
Trong khi đó, trao đổi với nhiều đồng nghiệp quốc tế, cô phát hiện, việc dạy học STEM trên thế giới không có khuôn mẫu nào cả. Các giáo viên có thể tự tạo ra những cách tiếp cận mới hoặc ứng biến sao cho phù hợp với học sinh của mình, miễn sao các em đạt được mục tiêu học tập.
Thoát khỏi suy nghĩ thực dụng
Không chỉ tiết lộ sự tương đồng, chuyến đi Mỹ còn cho cô ấn tượng sâu sắc về những giấc mơ. Suốt cả tuần, những người tham gia tập huấn đã làm việc không ngừng nghỉ để tìm giải pháp đưa con người ra ngoài không gian, chinh phục vũ trụ. Họ phải đào xới mọi chủ đề rộng lớn - từ việc làm sao để tên lửa bay ra ngoài quỹ đạo Trái đất, đến việc trồng cây trong điều kiện khắc nghiệt hay tạo ra robot di chuyển trên mọi địa hình khác nhau.
Những thử thách lớn đó khiến mọi người phấn khích, thậm chí thảo luận đến khuya, cô Quyên nhớ lại. Ngay cả trong lúc ăn cũng có người bất ngờ reo lên nếu họ nảy ra ý tưởng mới. Sau khóa tập huấn ngắn ngủi, một số đồng nghiệp mà cô còn giữ liên lạc vẫn duy trì những đam mê vũ trụ đó. Cùng với học sinh, họ tiếp tục nghiên cứu và tìm cách hiện thực hóa những “sứ mệnh” gần gũi hơn như trồng cây trong hoang mạc. Ấn tượng bởi những bài học STEM chứa “giấc mơ lớn” cuốn hút được cả những người trưởng thành, cô tự hỏi liệu mình có thể làm được điều tương tự cho học sinh. Và cô bắt đầu thử nghiệm việc đưa các yếu tố sáng tạo vào bài giảng của mình.
Nhưng không phải ý tưởng mới mẻ nào cũng dễ dàng được hưởng ứng. Chẳng hạn, bài toán “trong một nhóm bạn, có một người ngoài hành tinh nhưng không thể nhận biết được bằng mắt thường, em hãy tìm ra họ thông qua việc thử các dung dịch màu trên ‘mẫu máu’ của họ”, bị cho là kì cục.
Tương tự, với dự án “COVID-19 và đại dịch tiếp theo”, cô hi vọng học sinh có thể tưởng tượng tình huống của một đại dịch mới và dự đoán cách lây lan, đặc tính của virus. Tuy nhiên, khi chia sẻ ý tưởng dự án này với nhiều giáo viên, cô nhận được những lời góp ý như “điều này quá viễn tưởng” hoặc “tại sao lại đưa ra một yêu cầu không thực tế như vậy, thay vì làm những thứ hữu dụng như máy diệt khuẩn hay dung dịch rửa tay”.
Cô cũng từng khá thất vọng khi đến một số buổi triển lãm STEM ở địa phương thời kỳ đầu, nơi các gian hàng đều thiếu sự đa dạng và chỉ quanh quẩn cách làm đồ thực phẩm lên men thông thường. Cô cho rằng việc đóng khung STEM trong những khuôn khổ mang tính thực dụng khiến học sinh “chỉ có thể tạo ra những gì đã biết”.
Tin vui là dự án “COVID-19 và đại dịch tiếp theo” của cô và các học trò vừa được nhận tài trợ từ chương trình Remote Learning Emergency Fund for Educator Grant của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ để triển khai từ năm nay.
Trao quyền tự chủ cho học sinh
Sau khi kết thúc chuyến thực tập ở Mỹ và bắt đầu làm việc tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong từ năm 2017, việc đầu tiên cô giáo trẻ Đào Thị Hồng Quyên làm là viết một đề xuất hỗ trợ nhằm thu hẹp cách biệt về giáo dục STEM giữa khu vực nông thôn và thành thị mang tên “STEM for Rural”. Dự án đã nhận được tài trợ của Đại sứ quán Mỹ để triển khai trong năm 2018.
Với hai hoạt động chính là dịch tài liệu STEM và tổ chức các hoạt động STEM cho các trường THCS, hoạt động ngoại khóa này dành cho bất kì học sinh nào mong muốn tham gia. Cô đã rất bất ngờ khi thấy nhiều học sinh lớp 10, lớp 11 có năng lực dịch thuật, biên tập rất tốt. Một số em còn chủ động thực hành những bài học STEM trong tài liệu mà mình biên dịch.
Bên cạnh đó, cô cũng tuyển chọn và tập huấn nhiều học sinh thành các “đại sứ STEM”. Hằng tháng, cô trò đi đến các trường cấp 2 trong tỉnh để tổ chức các gian hàng STEM hoặc toàn bộ nội dung cho một Ngày hội STEM trọn vẹn. Tại đây, các học sinh cấp 3 sẽ “đứng lớp”, hướng dẫn các em học sinh cấp 2 cách làm thí nghiệm Vật lý, Hóa học, lập trình v.v.
Sự hào hứng của học sinh không chỉ đến từ việc được dự phần vào một điều gì đó mới mẻ mà còn được khám phá những tiềm năng mới của chính mình – cô Quyên nói. Dự án “STEM for Rural” đã thuyết phục mọi người rằng học sinh có thể học hỏi dễ dàng và hứng thú nếu được trao cơ hội tự tìm tòi, khám phá.
Sau khi Dự án kết thúc, câu lạc bộ STEM của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã ra đời để tiếp tục hành trình đó. Giờ đây, những ý tưởng lớn nhỏ của học sinh được trao đổi hằng tuần tại Câu lạc bộ, còn các dự án nghiên cứu khoa học dài hơi có thể kéo dài hàng tháng.
“Trong Câu lạc bộ, vai trò dẫn dắt của học sinh rất rõ ràng. Các em độc lập lên kế hoạch của mình, từ nội dung đến kinh phí, thậm chí tổ chức cả những hoạt động của đại sứ STEM hoặc lên ý tưởng tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật. Các thầy cô hầu như không phải can thiệp gì nhiều”, cô Quyên tự hào nói.
Mặc dù giáo dục STEM chỉ mới chính thức được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông chính khóa từ năm 2020, nhưng mấy năm qua, nhờ nỗ lực của những người thầy như cô Đào Thị Hồng Quyên, các không gian và hoạt động giáo dục STEM ngày càng phong phú, từ đó, sự ủng hộ cho giáo dục STEM từ các phía - phụ huynh, học sinh, và xã hội - cũng ngày càng cao.
Hồng Hạnh
Nguồn: khoahocphattrien.vn
|