Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2014 In
Thứ ba, 25/02/2014 14:19

Để phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy năm 2014, giới thiệu về trường, ngành nghề đào tạo và lấy ý kiến của các đơn vị đóng góp vào đề án tuyển sinh  Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2014 của trường. Ngày 16 tháng 02 năm 2014, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2014 thành phần gồm: Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và lãnh đạo, cán bộ tuyển sinh của các  trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đài phát thanh và truyển hình Bắc Giang.

Tại Hội Nghị tiến sỹ Phùng Gia Hưng, trưởng phòng Đào tạo đã giới thiệu về trường, ngành nghề đào tạo và Đề án tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chính quy năm 2014 của trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang;

Năm 2014, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Trường thực hiện 2 phương thức xét tuyển như sau:

- Phương thức 1:  Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp, kết quả học tập bậc trung học phổ thông kết hợp với phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực, khả năng tư duy, sở thích và các kỹ năng khác của thí sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà thí sinh đăng ký.

-  Phương thức 2:  Xét tuyển căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng hệ chính quy theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Phương thức 1 (70% tổng chỉ tiêu: Đại học 700, Cao đẳng 210)

1.1. Tiêu chí xét tuyển:

Tiêu chí 1: Kết quả điểm trung bình chung các môn học của 3 năm học trung học phổ thông, có nhân hệ số đối với một số môn học thuộc khối ngành mà thí sinh đăng ký.  Tiêu chí này có trọng số 0,5 trong xét tuyển.

Tiêu chí 2: Điểm thi tốt nghiệp THPT. Tiêu chí này có trọng số 0,35 trong xét tuyển. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng miễn thi tốt nghiệp cho học sinh xuất sắc, điểm bình quân của các thí sinh này đạt 9 điểm.

Tiêu chí 3: Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh: Đánh giá năng lực tư duy, thái độ, kỹ năng, sở thích, năng khiếu…để bổ sung mức độ chính xác trong đánh giá khả năng, thái độ và thiên hướng nghề nghiệp theo ngành đăng ký dự thi của thí sinh. Tiêu chí này có trọng số 0,15 trong xét tuyển.

1.2. Phương pháp xét tuyển:

- Bước 1: Xác định sàn xét tuyển:

- Kết quả điểm bình quân tất cả các môn học 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2014, 6 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và 12) đối với thí sinh tốt nghiệp trước năm 2014 từ 6,0 trở lên (nhân hệ số 2 đối với ba môn thi Đại học thuộc các ngành đăng ký dự tuyển) đối với bậc Đại học, 5,5 đối với bậc cao đẳng.

- Tốt nghiệp THPT

- Hạnh kiểm đạt loại Khá trở lên.

- Bước 2.Tính điểm xét tuyển với trọng số của từng tiêu chí (thang điểm 10, làm tròn đến 2 chữ số thập phân)

Điểm xét tuyển = điểm bình quân các môn học trung học phổ thông (hệ số 2 với 3 môn thuộc nhóm ngành dự tuyển) x 0,5 + điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp (kể cả môn thi khuyến khích - nếu có) x 0,35 + điểm phỏng vấn x 0,15) + điểm ưu tiên.

- Bước 3: Xác định người trúng tuyển

Xét tuyển từ cao đến thấp, cho đến khi đủ chỉ tiêu. Xét tuyển Đại học trước, Cao đẳng sau.

1.3. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh

- Thí sinh được hưởng các chế độ ưu tiên về đối tượng và khu vực theo quy định, tổng điểm ưu tiên tối đa không quá 1,5 với bậc đại học, 1,0 với bậc cao đẳng.

- Ngoài ra trường còn ưu tiên tuyển thẳng các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

2. Phương thức 2 (30% tổng chỉ tiêu: Đại học 300, cao đẳng 90)

Xét tuyển đối với thí sinh dự kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy năm 2014 theo đề thi chung của Bộ giáo dục và Đào tạo, đạt từ điểm sàn trở lên tương ứng với từng khối thi của bậc đại học và cao đẳng, không có môn nào bị điểm 0; xét tuyển từ cao đến thấp, cho đến khi đủ chỉ tiêu.