Hội thảo “Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành Công nghệ thực phẩm” In
Thứ sáu, 26/06/2020 16:22

Sáng 25/6/2020, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thực phẩm” nhằm hoàn thiện nội dung, phương pháp và quy trình xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

 

Quang cảnh buổi Hội thảo


Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có: Ông Nguyễn Văn Lân – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ. Về phía Nhà trường có: PGS.TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu, đại diện các Phòng, Khoa, Trung tâm, các thành viên trong Ban Chủ nhiệm xây dựng nhiệm vụ và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và Đại học Sao Đỏ.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là bước đi mang tính mở đường để xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, góp phần phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế làm việc trực tiếp tại các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo… Và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn tri thức.

 

PGS.TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao nhiệm vụ cho Đại học Nông – Lâm Bắc Giang thí điểm xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học một số ngành, lĩnh vực nông nghiệp thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. PGS.TS. Nguyễn Quang Hà đề nghị các chuyên gia cho ý kiến góp ý để hoàn thiện định mức và giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thực phẩm.

 

Ông Nguyễn Văn Lân – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Hội thảo


Ông Nguyễn Văn Lân – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ thông tin về việc Bộ đã phê duyệt một đề án tổng thể theo tinh thần Nghị định 32 của Chính phủ về Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, bao gồm 4 nội dung là: Xây dựng danh mục đào tạo; Xây dựng một số định mức kinh tế – kỹ thuật; Tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ và Dịch vụ công theo từng giai đoạn.

 

TS. Nguyễn Văn Lục - Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trình bày nội dung "Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật"

 

ThS. Phạm Thị Dinh - Phó Trưởng khoa Kinh tế - Tài chính trình bày nội dung "Giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thực phẩm"


Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Ban Chủ nhiệm xây dựng nhiệm vụ trình bày tổng quan về Dự thảo “Xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thực phẩm”. Theo đó, định mức kinh tế – kỹ thuật là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, vật tư, thiết bị để hoàn thành việc đào tạo 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn cho ngành Công nghệ thực phẩm. Đây chính là căn cứ để tính chi phí đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý tài chính từ cấp phát chi thường xuyên sang đặt hàng đào tạo, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập. Các chuyên gia đóng góp ý kiến tập trung ở hai nội dung chính là: Phân loại chi phí và chi phí cấu thành giá dịch vụ đào tạo; Chương trình, quy trình đào tạo và tổ chức quản lý trong điều kiện tiêu chuẩn.

 

 

 

 

 

 

 

Các chuyên gia đến từ các đơn vị: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội… đóng góp ý kiến vào Dự thảo nhiệm vụ

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


PGS.TS. Nguyễn Quang Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu, bổ sung những vấn đề lớn về quan điểm, phương pháp xây dựng các mục tiêu cụ thể như: Sinh viên, học phí hay đặt hàng để hoàn thiện “Định mức kinh tế – kỹ thuật và giá dịch vụ đào tạo trình độ đại học ngành Công nghệ thực phẩm” trình Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành và thực hiện./.

Huy Tùng