88 năm kể từ khi thành lập đến nay (3/2/1930 – 3/2/2018), Đảng ta đã trải qua 12 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội của Đảng đều gắn với những giai đoạn lịch sử, những thắng lợi, những thành tựu và những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Biên tập website xin điểm lại các kỳ Đại hội Đảng.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ I
Diễn ra từ ngày 28 đến ngày 31 - 3 - 1935 tại phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự có 13 đại biểu chính thức thay mặt cho 500 đảng viên trong nước và các Đảng bộ ở nước ngoài. Ban Chấp hành Trung ương gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 1942). Nguyên quán: Xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 1. Nhiệm kỳ: 31/3/1935 - 26/7/1936.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II
Diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 73 vạn Đảng viên. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị có 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đại hội bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đồng chí Trường Chinh (1907 - 1988). Nguyên quán: Xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Được chỉ định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa 1. Được bầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa 1 và Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 2. Nhiệm kỳ: 1941 - 10/1956. Được bầu tại Hội nghị đặc biệt Trung ương Đảng năm 1986. Nhiệm kỳ: 14/7/1986 - 18/12/1986.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ III
Diễn ra từ ngày 5-10/9/1960 tại Hà Nội. Có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 47 ủy viên chính thức và 31 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986). Nguyên quán: Xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 3 và Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 4. Nhiệm kỳ: 10/9/1960 - 10/7/1986.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IV
Diễn ra từ ngày 14-20/12/1976 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1008 đại biểu thay mặt cho hơn 1.5 triệu đảng viên trong cả nước. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội còn bổ sung Điều lệ Đảng, thay chức danh Bí thư thứ nhất là Tổng Bí thư, bỏ chức danh Chủ tịch Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 đồng chí chính thức, Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục làm Tổng Bí thư.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ V.
Diễn ra từ ngày 27-31/3/1982 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1033 đại biểu thay mặt cho hơn 1.7 triệu Đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 116 ủy viên chính thức, 36 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết, Ban bí thư gồm 10 đồng chí, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại giữ chức vụ Tổng Bí thư. Đại hội V đã có những bước tìm tòi bước đi trên con đường quá độ lên CNXH, trước hết là về mặt kinh tế.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI.
Diễn ra từ ngày 15-18/12/1986 tại Hà Nội. Có 1129 Đảng viên tham dự, thay mặt cho gần 1.9 triệu Đảng viên cả nước. Ban Chấp hành Trung ương được bầu mới gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức, 1 dự khuyết. Ban Bí thư gồm 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (1915 - 1998). Nguyên quán: Xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Tỉnh Hưng Yên. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6. Nhiệm kỳ: 18/12/1986 - 28/6/1991.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VII.
Diễn ra từ ngày 24-27/6/1991 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1176 đại biểu thay mặt cho trên 2 triệu Đảng viên trong cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên, bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa VII tháng 11/1993 đã bầu bổ sung thêm 4 ủy viên Bộ Chính trị). Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.
Đồng chí Đỗ Mười (1917). Nguyên quán: xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 7. Nhiệm kỳ: 28/6/1991 - 26/12/1997.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII.
Đại hội diễn ra từ ngày 28/6-1/7/1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 Đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn Đảng viên trong cả nước. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư (sau đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa VIII - tháng 12/1997, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được bầu làm Tổng Bí thư).
Đồng chí Lê Khả Phiêu (1931). Nguyên quán: xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Được bầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa 8. Nhiệm kỳ: 26/12/1997 - 22/4/2001.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX.
Đại hội diễn ra từ ngày 19-22/4/2001 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.168 đại biểu là những Đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho hơn 2,4 triệu Đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa IX gồm 150 ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Nông Đức Mạnh (1940). Nguyên quán: Xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9. Nhiệm kỳ: 22/4/2001 - 19/1/2011.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X.
Đại hội diễn ra từ ngày 18-25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết, với Bộ Chính trị gồm 14 thành viên và Ban Bí thư có 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa X.
Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI
Đại hội lần thứ XI của Đảng chính thức diễn ra từ ngày 12 đến 19/01/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với sự tham dự của 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, họp lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng bí thư.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (1944). Nguyên quán: Xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Được bầu tại Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11. Nhiệm kỳ: 19/1/2011 – nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Diễn ra từ 20/1 - 28/1/2016. Tham dự Đại hội Đảng XII có 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu Đảng viên.
Trần Trang (Tổng hợp)
|