Hội nghị Tuyển sinh trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang năm 2015 In
Thứ năm, 05/02/2015 08:37

Nhằm chuẩn bị tốt cho công tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2015, ngày 4/2, tại phòng họp số 1, trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2015. Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Trưởng, Phó các đơn vị, Trưởng các bộ môn và các đoàn, tổ tư vấn tuyển sinh năm 2014. TS. Nguyễn Quang Hà – Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì Hội nghị.

 

TS. Nguyễn Quang Hà – Chủ trì Hội nghị

ThS. Trần Văn Hải – Phó trưởng Phòng Đào tạo trình bày báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh năm 2014, phương hướng kế hoạch tuyển sinh năm 2015


Mở đầu Hội nghị, ThS. Trần Văn Hải – Phó trưởng Phòng Đào tạo trình bày báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh năm 2014, phương hướng kế hoạch tuyển sinh năm 2015. Năm 2014, trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép tuyển sinh theo đề án riêng với tổng chỉ tiêu là 1050 Sinh viên hệ chính quy. Với 2 phương thức xét tuyển là: Xét tuyển theo kết quả học tập ở bậc THPT kết hợp với phỏng vấn trực tiếp và tổ chức xét tuyển đối với các thí sinh dự thi kỳ thi Đại học – Cao đẳng chính quy năm 2014 theo đề thi chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Kết thúc kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2014 toàn trường có 613 thí sinh trúng tuyển hệ Đại học nhập học chiếm 72,1% và 62 thí sinh trúng tuyển hệ Cao đẳng chiếm 20%. Bên cạnh các kết quả đã đạt được công tác tuyển sinh năm 2014 vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

 

Toàn cảnh Hội nghị


Năm 2015 Nhà trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh như sau: Đại học 950 chỉ tiêu, Cao đẳng 150 chỉ tiêu, Đại học hệ vừa làm vừa học 475 chỉ tiêu. Để đạt được các chỉ tiêu này Tổ tuyển sinh Nhà trường đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh năm 2015 là: Tăng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến khoảng 1500 thí sinh đăng ký xét tuyển; Tổ chức tốt đợt xét tuyển thí sinh đăng ký xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT, dự kiến 1000 thí sinh đăng ký xét tuyển; Phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy năm 2015.

ThS. Trần Văn Châu – trình bày những thay đổi trong kỳ thi Đại học và tuyển sinh năm 2015


Tiếp theo chương trình Hội nghị ThS. Trần văn Châu – Quyền Trưởng phòng Đào tạo đã trình bày những thay đổi chính về kỳ thi Đại học và tuyển sinh năm 2015, bao gồm:

1. Sử dụng 1 kỳ thi THPT làm 2 mục đích

-         Xét tốt nghiệp THPT

-         Xét tuyển vào Đại học

2. Tổ chức kỳ thi làm 2 cụm

-         Kết quả thi do cụm tỉnh phụ trách: chỉ để xét tốt nghiệp THPT, các thí sinh này muốn vào Đại học phải vào trường có đề án riêng.

-         Kết quả thi do cụm các trường Đại học phụ trách: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét vào Đại học.

3. Thời gian thi tốt nghiệp THPT, đăng ký vào Đại học

-         Từ 01 – 04/7 => tháng 8 có kết quả, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận và mới đăng ký vào trường, ngành yêu thích.

-         Thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa (4 đợt / 4 ngành của một trường); Mỗi đợt xét tuyển thí sinh chỉ được phép sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng.

4. Môn thi, tổ hợp môm xét tuyển vào Đại học

-         Tổ hợp môn thi: Tối thiểu 4 môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ, và một môn tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý).

-         Tổ hợp môn tối thiểu xét vào Đại học là 3 môn trong đó có ít nhất môn Toán hoặc Văn. Mỗi ngành được phép dùng tối đa 4 tổ hợp.

 

TS. Đoàn Văn Soạn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại  Hội nghị


Với những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Nhà trường đã đề ra những giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh như: Các cán bộ tư vấn tuyển sinh phải có sự liên hệ trực tiếp với các trường Đại học được giao tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để tiến hành các hoạt động tư vấn, xúc tiến tuyển sinh. Tập trung tuyên truyền tại các trường THPT trùng với lịch tư vấn hướng nghiệp của tỉnh. Mở thêm các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các trường THPT. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các trang website có số lượng truy cập cao. Đăng cai tổ chức Hội nghị tuyển sinh của tỉnh Bắc Giang năm 2015. Xác định các vùng trọng điểm tuyển sinh. Tạo các mối quan hệ với các trường có đông học sinh. Khai thác dữ liệu thí sinh không đạt ngưỡng của các trường có các ngành đào tạo gần với trường ta để gửi thông báo xét tuyển thông qua hình thức thư mời. Tăng cường các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên qua các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện…

 


TS. Nguyễn Bình Nhự - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu


Năm 2015 Nhà trường vẫn xây dựng đề án tuyển sinh riêng theo 2 phương thức như sau:

+ Dựa vào kết quả thi THPT quốc gia: Tổng điểm 3 môn + điểm ưu tiên. Dùng tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển (A, A1, B, D) cho mỗi ngành (riêng ngành Kế toán không xét khối B).

+ Dựa vào kết quả 3 năm học THPT (đối với thí sinh thi ở Cụm tỉnh chủ trì năm 2015 và tốt nghiệp trước năm 2015).

ĐXT = ( Đ1 + Đ2 + Đ3) + Đ4 ( trong đó ĐXT là điểm xét tuyển; Đ1 là điểm trung bình cả năm lớp 10; Đ2 là điểm trung bình cả năm lớp 11; Đ3 điểm trung bình cả năm lớp 12; Đ4 là điểm ưu tiên).

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm đối với tháng điểm 10.

Nhà trường sẽ thực hiện xét tuyển làm nhiều đợt, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày (từ tháng 08 đến 31/10/2015).

 

NGƯT. ThS. Nguyễn Đức Dương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu


Tại Hội nghị đã có 19 ý kiến phát biểu, đóng góp của các vị đại biểu tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh năm 2015 như: Tập trung trọng tâm vào các địa bàn tuyển sinh có tiềm năng của Nhà trường. Tạo kênh tương tác giữa Nhà trường với các Sinh viên sau khi ra trường. Tổ chức Hội nghị tuyển sinh cho Sinh viên Nhà trường để sử dụng lực lượng này làm cộng tác viên tuyển sinh. Mở rộng thêm các ngành nghề, nâng cao chất lượng đầu ra để thu hút Sinh viên. Liên kết, phối hợp với trung tâm phát triển nguồn nhân lực các tỉnh để tư vấn hướng nghiệp cho Học sinh THPT. Thúc đẩy sớm các hoạt động quảng cáo để tuyên truyền hình ảnh Nhà trường đến Học sinh. Khai thác hệ thống phát thanh ở các huyện, xã để tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh. Coi công tác tuyển sinh giống như khâu Marketing của các doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm để giới thiệu về Nhà trường (như đĩa CD về trường). Chuyển hướng tuyển sinh về các vùng đồng bằng… Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều về thời điểm tuyển sinh, địa bàn tuyển sinh nên tập trung hay phân tán, về đồng bằng hay lên miền núi. Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về những khó khăn trong công tác tuyển sinh do sự thay đổi trong cách thức thi của Bộ như: thí sinh có điểm rồi mới chọn trường, thí sinh có quá nhiều cơ hội xét tuyển, khả năng tiếp cận thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp, vai trò của trường phổ thông đối với thí sinh...

 

ThS. Mai Thị Huyền – Quyền trưởng Khoa Tài chính – Kế toán đóng góp ý kiến vào nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh năm 2015


Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng với sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta tin tưởng rằng, tập thể Cán bộ, Giảng viên, Người lao động và Học sinh - Sinh viên trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tuyển sinh năm 2015.

Trung tâm Thông tin – Thư viện