Hội thảo“Chiến lược phát triển trường ĐH Nông–Lâm Bắc Giang giai đoạn 2016–2020,tầm nhìn 2030" |
Thứ bảy, 22/11/2014 15:25 |
Chiến lược phát triển trường là văn kiện quan trọng, có tính chất định hướng, là cơ sở cho sự phát triển của Nhà trường. Nhận thức được tầm quan trọng đó Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đã quyết định tổ chức Hội thảo về Chiến lược phát triển trường đúng vào dịp kỷ niệm 55 xây dựng và phát triển. Hội thảo lần này có nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích, đánh giá “Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2009 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020” đã được xây dựng trước đó. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn, thách thức, Hội thảo nhằm xác định lại yêu cầu, mục tiêu cho Nhà trường trong giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và những giải pháp cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đó.
TS. Nguyễn Tuấn Điệp - Trưởng phòng KH & HTQT khai mạc Hội thảo “Chiến lược phát triển trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030” Nhằm phát huy trí tuệ của Cán bộ, Viên chức Nhà trường trong việc xây dựng chiến lược, Hội thảo lần này được tổ chức với sự tham gia của hầu hết cán bộ chủ chốt của Nhà trường. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm: các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các đồng chí trong Hội đồng trường, Trưởng, Phó các Khoa, Phòng, Trung tâm và các Giảng viên có trình độ Tiến sĩ. Ngoài ra, để có thêm những ý kiến khách quan từ nhiều phía trong việc xây dựng chiến lược, Nhà trường mời thêm các đại biểu gồm ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang; anh Nguyễn Văn Toàn cựu học sinh Khoa Chăn nuôi – Thú y K30 – Giám đốc Công ty thức ăn Dabaco Bắc Ninh; anh Nguyễn Trung Trường – Giám đốc Công ty TNHH Novar Bắc Giang; anh Nguyễn Đức Được cựu học sinh khoa Kinh tế K4 – Giám đốc Công ty Austfeed Nam Hà; anh Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Công ty ANT Hưng Yên; anh Nguyễn Văn Huỳnh cựu học sinh Khoa Địa chính K36 – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Môi trường Lạng Sơn.
Các đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo, Ông Vũ Đình Phượng - PGĐ Sở NN &PTNT ( ngoài cùng bên trái hàng đầu tiên) Để buổi Hội thảo diễn ra được hiệu quả và thành công, Hiệu trưởng nhà trường đã lập kế hoạch, phân công các nhóm viết tham luận theo từng mảng chuyên đề như: Chiến lược tuyển sinh – Dự báo nhu cầu đào tạo; Chiến lược phát triển nghiên cứu KH&HTQT; Chiến lược phát triển CSVC – Tài chính; Yêu cầu về kiến thức kỹ năng và chuẩn đầu ra...
Đại diện Trưởng, Phó các đơn vị Phòng, Khoa, Trung tâm trong Nhà trường Mở đầu buổi Hội thảo TS. Nguyễn Quang Hà – Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày vắn tắt “Chiến lược phát triển trường Cao đẳng Nông – Lâm giai đoạn 2009 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Trên cơ sở phân tích các nội dung cơ bản mà chiến lược đã đề ra, đối chiếu với thực tiễn hiện nay, Thầy đã chỉ ra những điểm hạn chế, những nội dung không còn phù hợp, cũng như các yêu cầu, mục tiêu trong tình hình mới. Qua đó, Thầy đã có những ý kiến chỉ đạo mang tính chất định hướng cho các tham luận tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Quang Hà – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường trình bày vắn tắt “Chiến lược phát triển trường Cao đẳng Nông – Lâm giai đoạn 2009 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. TS. Đoàn Văn Soạn – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường được phân công tham luận về “Mục tiêu phát triển trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Trong bài tham luận này, TS. Đoàn Văn Soạn đã trình bày về mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể. Trong đó mục tiêu cụ thể bao gồm: mục tiêu về công tác đào tạo, mục tiêu về khoa học công nghệ và các điều kiện đảm bảo. Tham luận cũng đặt ra mục tiêu cụ thể về cho công tác đào tạo, đó là: “phấn đấu đến năm 2016 – 2017 mở thêm đào tạo bậc học thạc sĩ, quy mô đào tạo của Nhà trường trên 5000 Học sinh – Sinh viên. Năm học 2019 – 2020 tiếp tục đào tạo bậc học tiến sĩ, quy mô đào tạo trên 8000 Học sinh – Sinh viên”. Tham luận thứ 2 do thầy Trần Văn Châu – Quyền trưởng phòng Đào tạo trình bày. Nội dung tham luận là “Chiến lược Tuyển sinh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030”. Tuyển sinh là một bài toán khó, đặc biệt là đối với các trường thuộc tốp vừa và nhỏ, các trường có thương hiệu và uy tín chưa cao. Tham luận của thầy Trần Văn Châu đã chỉ rõ được bối cảnh, điểm mạnh, yếu những cơ hội và thách thức trong công tác tuyển sinh những năm qua. Đồng thời đề ra mục tiêu tuyển sinh cho giai đoạn tới đó là: Tuyển sinh cân đối giữa các ngành nghề đào tạo; Từng bước nâng cao chất lượng đầu vào; Số lượng tuyển sinh tăng dần theo các năm, bình quân mỗi năm tăng 7%; Cơ cấu thay đổi theo hướng giảm cao đẳng, giữ vững đào tạo Vừa làm vừa học, phát triển đào tạo chính quy bậc Đại học, Cao học, Tiến sỹ. Phấn đấu tuyển sinh năm 2016 đạt 1000 sinh viên/năm, năm 2030 đạt 7000 sinh viên/ năm. Tham luận cũng đi sâu phân tích các giải pháp để thực hiện các mục tiêu tuyển sinh, trong đó chú trọng các giải pháp sau: “Nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức; Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyển sinh; Xác định địa bàn tuyển sinh; Hướng tới các trường THPT tốp vừa và khá; Đổi mới về thời điểm, phương thức, nội dung tuyền truyền quảng bá tuyển sinh; Liên hệ, hợp tác với các công ty tuyển sinh; Tiếp tục xây dựng đề án tuyển sinh riêng; Đa dạng hóa các ngành nghề hình thức đào tạo; Mở thêm bậc đào tạo sau đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu của trường”
ThS. Trần Văn Châu – Quyền trưởng phòng Đào tạo trình bày chiến lược tuyển sinh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030 Đào tạo và nghiên cứu Khoa học là 2 mảng hoạt động quan trọng nhất của trường Đại học. TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Trưởng phòng Khoa học & HTQT đã báo cáo với Hội thảo thực trạng NCKH&HTQT trong những năm vừa qua. Dựa trên các phân tích về những kết quả đạt được, điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức trong lĩnh vực NCKH&HTQT, tham luận của TS. Nguyễn Tuấn Điệp đã đề ra chiến lược phát triển KHCN&HTQT đó là: “Mở rộng quy mô, lĩnh vực nghiên cứu, ưu tiên các hướng thế mạnh của Đại học Nông – Lâm Bắc Giang; Nâng cao chất lượng và hiệu quả NCKH; Tăng cường hoạt động NCKH của người học; Phát triển hệ thống thông tin NCKH và quảng bá...”. Với quan điểm hợp tác quốc tế bình đẳng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất có hiệu quả nhằm nâng cao nội lực và đem lại nguồn thu cho Nhà trường.
TS. Nguyễn Tuấn Điệp – Trưởng phòng Khoa học & HTQT trình bày tham luận về chiến lược phát triển Khoa học công nghệ & Hợp tác Quốc tế Chuẩn đầu ra cũng là một vấn đề được quan tâm trong Hội thảo lần này. Thực trạng Sinh viên các trường Đại học sau khi tốt nghiệp không có việc làm do không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ đang rất phổ biến. TS. Nguyễn Văn Vượng thay mặt cho nhóm nghiên cứu chiến lược về chuẩn đầu ra trình bày tham luận về vấn đề này.
TS. Nguyễn Văn Vượng – Trưởng phòng Khảo thí và ĐBCLĐT trình bày tham luận về yêu cầu kiến thức, kỹ năng và chuẩn đầu ra.
NGƯT. ThS. Nguyễn Đức Dương – Phó Hiệu trưởng đóng góp vào chiến lược phát triển trường trong vấn đề tổ chức và quản lý trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang với mục tiêu: Xây dựng Khoa, Bộ môn học thuật mạnh về đội ngũ, trình độ chuyên môn để đảm trách sứ mệnh đào tạo Thạc sỹ, Tiến sĩ, Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo lộ trình phù hợp. Nhà trường có tổ chức hợp lý, phân cấp rõ ràng theo hướng tăng quyền chủ động cho các đơn vị, bảo đảm cho trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho khu vực miền núi phía Đông Bắc, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
NGƯT. ThS. Nguyễn Đức Dương – Phó Hiệu trưởng phát biểu Hội thảo đã được nghe ý kiến phát biểu của ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang và các ý kiến đóng góp của các đại biểu là cựu sinh viên Nhà trường về các vấn đề đào tạo và việc làm sau khi ra trường. Các vị đại biểu cũng đã chỉ ra được những nhược điểm, hạn chế mà công tác đào tạo của Nhà trường còn gặp phải từ đó có hướng giải quyết khắc phục để nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường.
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang phát biểu
Anh Nguyễn Văn Huỳnh cựu học sinh Khoa Địa chính K36 – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Môi trường Lạng Sơn phát biểu ý kiến Hội thảo chiến lược phát triển trường được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển trường càng mang thêm một ý nghĩa trọng đại. Thành công bước đầu của Hội thảo thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của lãnh đạo Nhà trường. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi để chúng ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 - một văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng vai trò như là kim chỉ nam cho mọi hành động và đường hướng phát triển của Nhà trường. Trung tâm Thông tin – Thư viện |