Quy định về phỏng vấn và nội dung định hướng phỏng vấn tuyển sinh năm 2014 In
Thứ năm, 10/07/2014 17:14

Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thông báo quy định về phỏng vấn và nội dung định hướng phỏng vấn tuyển sinh năm 2014

 

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG-LÂM BẮC GIANG

HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY ĐỊNH VỀ PHỎNG VẤN TUYỂN SINH NĂM 2014

1. Mục đích phỏng vấn

Nội dung phỏng vấn nhằm mục đích:

- Đánh giá về năng lực tư duy, phân tích, lập luận, trình bày, giải quyết vấn đề của thí sinh.

- Đánh giá thái độ, năng lực, năng khiếu, thiên hướng nghề nghiệp của thí sinh theo ngành đăng ký dự thi.

2. Nội dung phỏng vấn

Nội dung phỏng vấn gồm 2 phần:

- Phần viết bài luận

- Phần phỏng vấn trực tiếp

3. Kết cấu đề phỏng vấn

Mỗi đề gồm 3 câu:

- 1 câu tự luận

- 2 câu hỏi phỏng vấn trực tiếp

4. Quy trình phỏng vấn

Bước 1: Gọi thí sinh vào phòng thi, bốc thăm câu hỏi, làm bài luận ra giấy thi, thời gian làm bài 30 phút.

Bước 2: Thí sinh nộp bài luận và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo (2 câu), thời gian từ 10-15 phút.

5. Cách tính điểm

Chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến 1 chữ số thập phân.

- Phần viết bài luận: điểm chiếm trọng số 40%.

- Phần trả lời phỏng vấn trực tiếp: điểm chiếm trọng số 60% (mỗi câu 30%).

6. Hướng dẫn cách làm bài luận

Bài luận kết cấu gồm 3 phần: phần đầu, phần thân và kết luận; độ dài khoảng 150-200 từ.

Phần đầu: Sử dụng đoạn văn đầu tiên để đưa ra một cái nhìn tổng quát cho toàn bài luận. Nêu rõ quan điểm của mình, đồng thời đưa ra những lý do chung nhất cho quan điểm đó trong câu luận đề này.

Phân thân: Là những lập luận, phân tích, biện giải, chứng minh nhằm làm rõ phần đầu, làm rõ những ý chính. Mỗi đoạn văn bắt đầu bằng một câu chủ đề và sau đó là những câu hỗ trợ cho nội dung được trình bày trong câu chủ đề và ví dụ minh họa cho nội dung đó.

Phần kết luận: Trình bày tóm tắt lại những ý chính đã được đề cập trong phần thân bài, đặc biệt là trong câu luận đề. Câu kết phải thể hiện được và khẳng định lại quan điểm của người viết đối với luận đề đã phân tích.

 

 

Bắc Giang, ngày 9 tháng 05 năm 2014

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TUYỂN SINH

(Đã ký)

 

 

 

TS. Nguyễn Quang Hà

 

 

 


 

NỘI DUNG ĐỊNH HƯỚNG PHỎNG VẤN TUYỂN SINH NĂM 2014

I. PHẦN TỰ LUẬN

  1. Các vấn đề về đạo đức, lối sống, các quan hệ ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội.
  2. Vai trò của khoa học, công nghệ, truyền thông trong cuộc sống hiện đại và những ảnh hưởng của nó tới giá trị truyền thống trong gia đình, nhà trường, xã hội.
  3. Vai trò và ảnh hưởng của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội đối với sự phát triển nhân cách học sinh.
  4. Kiến thức, kinh nghiệm sống từ gia đình, nhà trường và xã hội.
  5. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  6. Các quan điểm, nhận định về giá trị cuộc sống, sự thành công trong học tập và trong công việc.
  7. Ý thức pháp luật và tình trạng vi phạm pháp luật.
  8. Vai trò của gia đình, nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp.

II. PHẦN PHỎNG VẤN TRỰC TIẾP

  1. Đặc điểm, vai trò, vị trí, tiềm năng của ngành (thí sinh lựa chọn) đối với sự phát triển kinh tế địa phương, đất nước hiện tại và trong tương lai. Xu thế phát triển của ngành (thí sinh lựa chọn).
  2. Mục đích lựa chọn ngành học, hiểu biết về ngành đăng kí dự thi, định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
  3. Yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với cán bộ ngành mà thí sinh lựa chọn, vị trí làm việc sau khi ra trường.
  4. Dự kiến về mục tiêu, kế hoạch học tập, hướng phấn đấu khi trở thành sinh viên của ngành lựa chọn.
  5. Điểm mạnh, điểm yếu của bản thân trong quá trình theo học.
  6. Tại sao lại chọn ngành này? Những thuận lợi và khó khăn đối với ngành (thí sinh lựa chọn).
  7. Yêu cầu của người sử dụng lao động hiện nay đối với người được tuyển dụng.
  8. Sự cần thiết phải học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng nhằm phát triển ngành theo hướng hiện đại, hiệu quả.