Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển
Trong giai đoạn năm năm (2016-2020), đặc biệt là năm 2020 vừa qua, cùng với đà phát triển đi lên ấn tượng của đất nước, tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 13,02%, dẫn đầu cả nước, là một trong những địa phương có sức cạnh tranh và hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang duy trì vị trí đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Trong bối cảnh dịch bệnh và nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất nông, lâm và thủy sản vẫn đạt 6,7% đứng thứ ba toàn quốc và cao nhất từ trước tới nay.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở Bắc Giang đã được hình thành
Thành tích trên có được không chỉ do sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành và nhân dân Bắc Giang cũng như sự quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện nhiều mặt của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Đó còn là thành quả nhiều năm của tư duy và chiến lược coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Từ đó toàn tỉnh đã có nhiều hình thức phong phú, nhiều cơ chế đa dạng thu hút và khuyến khích các lực lượng KH&CN cả nước hướng hoạt động của mình vào phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Thành công nhờ sự phối hợp chặt chẽ
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giữa UBND tỉnh với Bộ KH&CN và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, giai đoạn 2014-2020. Cùng với thỏa thuận hợp tác quan trọng này, trong khuôn khổ Chương trình Nông thôn miền núi, giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện hàng loạt dự án phát triển khoa học công nghệ quy mô lớn. Đặc biệt, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ KH&CN, UBND tỉnh đầu tư kinh phí Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Việc thực hiện liên kết với các trường đại học, các viện và cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, để tiếp thu các tiến bộ khoa học và công nghệ sát với thực tế tại địa phương, có vai trò then chốt trong thúc đẩy hạ tầng khoa học công nghệ của tỉnh, giúp cho tỉnh có bước đi nhanh hơn, hiệu quả hơn trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, với quan điểm phát triển khoa học công nghệ cần động lực và sự phối hợp chặt chẽ từ các doanh nghiệp, tỉnh cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy được kỹ năng và tính năng động sẵn có của khu vực tư nhân, khiến yếu tố khoa học công nghệ trong toàn xã hội lan tỏa mạnh mẽ.
ộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện hàng loạt dự án phát triển khoa học công nghệ quy mô lớn. Đặc biệt, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ KH&CN, UBND tỉnh đầu tư kinh phí Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng phục vụ thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Coi khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy để tái cơ cấu kinh tế
Để phát triển bền vững trong thời gian tới, Bắc Giang xác định mục tiêu là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế và mức độ phát triển công nghệ vào năm 2025. Giải pháp đồng bộ về KH&CN là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động khoa học và công nghệ.
Các mục tiêu đột phá được xác định trong giai đoạn tới:
1) Tập trung đầu tư nhiều nguồn lực từ khu vực công hơn nữa cho phát triển công nghệ. Nếu như giai đoạn 2015-2020, vốn đầu tư cho khoa học công nghệ còn rất hạn chế thì trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang chuyển dần sang quan điểm đầu tư các dự án ứng dụng phát triển công nghệ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm tạo ra thay đổi căn bản trong kết cấu hạ tầng số của tỉnh làm tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ ở các lĩnh vực khác. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và hoàn thiện cơ bản về hạ tầng đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin, tới năm 2030 xây dựng được nền tảng dữ liệu để ứng dụng các công nghệ mới của CMCN lần thứ tư, và tầm nhìn tới 2045 trở thành nền kinh tế số hội nhập và hiện đại.
2) Tiếp tục chú trọng, nâng cao hơn nữa hiệu quả của chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ ở Bắc Giang, với quan điểm chiến lược đẩy mạnh thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ quan tâm đầu tư ở Bắc Giang. Phấn đấu ngay năm 2021 Bắc Giang là địa phương đi đầu cả nước trong việc ứng dụng mạng 5G toàn tỉnh.
3) Mặc dù Bắc Giang không có lợi thế như một số địa phương khác về quy hoạch xây dựng các khu công nghệ cao nhưng tỉnh đã hoạch định các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup công nghệ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang sẽ là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các startup công nghệ.
4) Ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ trong hoạt động quản lý Nhà nước. Một trong những nội dung Bắc Giang quan tâm nhất hiện nay là chủ trương số hóa Quy hoạch tỉnh, sẽ đầu tư để quản lý trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS tất cả các quy hoạch cấu thành quy hoạch tỉnh.
Một số lĩnh vực ưu tiên
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như quản lý đàn gia súc điện tử, quản lý nông trại điện tử, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao sẽ ngày càng được chú trọng. Đồng thời tỉnh ủng hộ chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp áp dụng tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, và có chiến lược tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn có mức độ ứng dụng khoa học cao như VinEco, Vinamilk, TH,... để đầu tư sản xuất quy mô lớn các sản phẩm nông nghiệp sạch chủ lực thế mạnh của địa phương.
Trong công nghiệp, tỉnh sẽ có chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng, chú trọng vào đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng loại nhẹ như: gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt có khối lượng thể tích nhỏ hơn 1.000 kg/m3; tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện, chất thải công nghiệp; gạch silicat. Tiến tới ứng dụng vật liệu nano; vật liệu chức năng; thiết bị nano; polymer và composite đặc biệt; vật liệu y sinh; vật liệu điện tử tiên tiến chủ lực của Bắc Giang có mặt tại các siêu thị lớn trên phạm vi toàn quốc.
Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng 5G, tập trung vào các lĩnh vực: bưu chính điện tử, kinh tế số, chính quyền số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, camera thông minh v.v... Xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của chính quyền đô thị. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ công ích chất lượng, tạo ra môi trường năng động để doanh nghiệp và người dân được hưởng các dịch vụ thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Đây là tiền đề căn bản để khoa học và công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh Bắc Giang theo hướng phát triển bền vững.
Trong sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã quan tâm ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng. Chỉ trong một thời gian ngắn tỉnh đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và 56 sản phẩm nông sản chủ lực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; Bắc Giang đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô gần 50 ngàn ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo v.v… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đã góp phần tăng năng suất từ 10-15%, giá bán bình quân tăng từ 20-30%; vùng sản xuất cây công nghiệp như: miến dong Sơn Động, chè Yên Thế, khoai tây Lạng Giang, Yên Dũng ứng dụng công nghệ cao cũng đã được hình thành cho hiệu quả kinh tế cao; vùng sản xuất dược liệu như: Ba kích Lục Nam, Sơn Động, sâm tố nữ Yên Thế, diếp cá, mã đề Hiệp Hòa đã được hình thành góp phần phát triển kinh tế nông thôn miền núi; vùng trồng rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao được phát triển mạnh mẽ ở các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa đã góp phần tăng giá trị sản phẩm từ 15 đến 30% v.v…
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Hiện nay, Bắc Giang đã có 947 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 60 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng đã được cấp nhãn hiệu- nhiều nhất cả nước, gồm: hai chỉ dẫn địa lý là Vải thiều Lục Ngạn và Na Lục Nam, bốn nhãn hiệu chứng nhận là Bưởi huyện Hiệp Hòa, Gà đồi huyện Yên Thế, Rượu Vân Hương Việt Yên; Chè Bản Ven Yên Thế và 54 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiêu biểu như: rượu làng Vân, mây tre đan Tăng Tiến, bánh đa Kế, mỳ Chũ, mỳ Kế v.v... đều có dấu ấn đóng góp của khoa học công nghệ, góp phần đưa giá trị sản xuất của các làng nghề hàng năm đạt gần 1 ngàn tỷ đồng.
Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang |