NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & HTQT
Tổ chức đánh giá, nghiệm thu (cấp cơ sở) nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ In
Thứ hai, 22/01/2024 17:18

Sáng ngày 31/12/2023, tại phòng họp số 2 Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ. Tên đề tài “Nghiên cứu vai trò và chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ gia đình trong tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam” do TS. Mai Thị Huyền làm chủ nhiệm đề tài. GS.TS. Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì hội nghị, cùng các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài.

Tham dự hội đồng có PGS.TS. Phạm Văn Hùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam phản biện 1, PGS.TS. Đinh Ngọc Lan Đại học Nông -Lâm Thái Nguyên phản biện 2, TS Nguyễn Tiến Định Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phản biện 3, TS. Ngô Trí Vinh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang ủy viên, TS. Nguyễn Thị Thu Thanh ủy viên và PGS. TS Trần Đức Hoàn ủy viên thư ký. Hội đồng còn có sự tham gia của các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài và các khách mời.

Toàn cảnh hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài

TS Mai Thị Huyền chủ nhiệm đề tài tóm tắt những kết quả đạt được, những công việc đã triển khai khi thực hiện đề tài. Đây là đề tài khoa học cấp Bộ, được thực hiện trong hai năm từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, được triển khai tại 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên nghiên cứu ứng dụng KHCN trong sản xuất cây rau, cây ăn quả, cây chè, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi thủy sản.

Các phản biện và ủy viên hội đồng đánh giá, nhận xét đề tài đã đạt và vượt yêu cầu theo quy định về sản phẩm; có nội dung, hình thức và quá trình tổ chức triển khai thực hiện công phu, nghiêm túc, cầu thị; có đóng góp mới về mặt khoa học. Đề tài mang tính khoa học, đầy đủ luận cứ, luận điểm, có ý nghĩa, hội tụ đầy đủ yếu tố giữa lý luận và thực tiễn. Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký. Kết quả nghiên cứu được công bố qua 3 bài báo khoa học (vượt 1 bài báo so với đăng ký); hỗ trợ đào tạo 1 thạc sĩ, đề xuất 11 nhóm giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát huy vai trò của hộ gia đình trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, sản phẩm của đề tài là tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất cho Cục Kinh tế hợp tác và PTNT hoạch định và chỉnh sửa sách về hỗ trợ đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp;  hỗ trợ hoạt động liên kết trong chuỗi giá trị nông sản…

Tuy nhiên các thành viên hội đồng cũng cho rằng đây là đề tài lớn, phức tạp, trong quá trình thực thi các chính sách, giải pháp thúc đẩy hộ gia đình trong tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đề nghị nhóm tác giả thực hiện đề tài cần đưa ra được chính sách đặc trưng và cụ thể, đề xuất hành lang pháp lý cần thiết để thúc đẩy hộ gia đình trong tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài: đầy đủ về số lượng, chất lượng, phương pháp nghiên cứu phù hợp, các số liệu sử dụng có độ tin cậy cao. Là công trình khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, khẳng định rõ tính mới, đóng góp về mặt khoa học của đề tài. Tuy nhiên đề nghị nhóm đề tài nghiên túc chỉnh sửa theo ý kiến của hội các thành viên và kết luận của hội đồng.

GS.TS. Phạm Bảo Dương - Hiệu trưởng Nhà trường kết luận

TS Mai Thị Huyền - Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu, trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Chủ tịch hội đồng, Phản biện và Ủy viên hội đồng, để tiếp tục chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện đề tài./.

Tin, ảnh: Khánh Linh - Thanh Lê

Khoa Kinh tế - Tài chính

 

 
<< Trang đầu < Trang trước 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Trang sau > Trang cuối >>

Trang 9 / 117