Xây dựng mô hình trồng cây Ngải mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân, bảo tồn và giữ gìn được giá trị của cây dược liệu quý.
Chiều ngày 23/03/2023, Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học & công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đánh giá đặc điểm nông sinh học và giá trị dược liệu của cây Ngải trồng trên địa bàn huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang” do TS. Nguyễn Tuấn Dương chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Xây dựng quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây Ngải
Trong quá trình thực hiện đề tài nhóm nghiên cứu đã thực hiện từ thời gian từ Tháng 5/2021 đến tháng 3/2023. Kết quả điều tra cho thấy cây Ngải hiện nay trồng và phân bố tại 04 xã An Lạc, Hữu Sản, Dương Hưu và Tây Yên Tử của huyện Sơn Động. Sau khi phân tích các mẫu đất, mẫu nước và phẫu diện đất trồng cây Ngải tương đối an toan, hàm lượng các chất kim loại nặng thấp, hàm lượng các chất độc hại cho cây không có tầng đất mặt dày 50-70cm, mầu nâu đen, hàm lượng mùn cao, thích hợp để phát triển khu trồng dược liệu. Tên khoa học cây Ngải có tên khoa học là japonica Artemisia Thunb; họ: cúc (Artemisia).
Cây Ngải được sử dụng trong y học cổ truyền bởi có nhiều công dụng chữa bệnh như: Giảm đau và kháng viêm, hỗ trợ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến kinh nguyệt, điều trị bệnh đường ruột, điều trị các bệnh da liễu…Cây Ngải đem lại giá trị kinh tế cao với lợi nhuận 60 triệu/ha/vụ, nâng cao được chất lượng đời sống và tạo việc làm ổn định cho bà con nông dân tại huyện Sơn Động.
Cây Ngải được trồng tại huyện Sơn Động
Xây dựng mô hình trồng cây Ngải
Đề tài đã xây dựng 02 mô hình trồng cây Ngải theo một số tiêu chuẩn GACP – WHO tại xã Dương Hưu, huyện Sơn Động với tổng diện tích 01ha, đến thời điểm tháng 3/2023 đánh giá kết quả mô hình cây sinh trưởng phát triển tốt, không phát hiện hiện tượng sâu bệnh hạt, cây 6 tháng tuổi có chiều cao trung bình 1,5 m, đường kính gốc 2,0-2,2cm, năng suất đạt 63.000 -65.000 kg/ha/vụ.
TS. Nguyễn Tuấn Dương – Chủ nhiệm đề tài phát biểu
Bên cạnh đó, Hội đồng đánh giá cũng chỉ ra những hạn chế để nhóm tác giả hoàn thiện như: một số tài liệu trích dẫn còn cũ, đề tài chưa đánh giá được thị trường và tiêu thụ của người dân địa phương, cần có sự so sánh với các sản phẩm khác… Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị nhóm thực hiện tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng hoàn thiện báo cáo tổng hợp trong thời gian quy định. Hội đồng thống nhất nghiệm thu cấp cơ sở.
Nguyễn Nga
|