Thị xã Việt Yên: Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch |
Thị xã Việt Yên có số di tích lịch sử lớn nhất tỉnh. Dù vậy, hằng năm, lượng khách du lịch đến địa phương còn khiêm tốn, chủ yếu là khách đến chiêm bái, lễ Phật ở các di tích tâm linh nổi tiếng và tập trung dịp đầu năm. Để khai thác tốt lợi thế, Việt Yên quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích và xây dựng thêm điểm du lịch, tạo “điểm nhấn” hút khách gần xa. Vùng đất giàu tiềm năng Việt Yên là nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của nhân loại và của quốc gia. Hiện địa phương có 341 di tích, trong đó có gần 100 di tích đã được xếp hạng. Bao gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh. Thị xã hiện có 3 điểm được công nhận là điểm du lịch của tỉnh (gồm: Điểm du lịch chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn; điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, phường Bích Động, điểm du lịch Di tích đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung, phường Nếnh); làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà được công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Khách đến tham quan chùa Bổ Đà Ngoài ra, Việt Yên còn có các điểm di tích khác như: Di tích mộ và đền thờ Hán Quận Công Thân Công Tài, phường Hồng Thái; Khu tưởng niệm nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Cao Kỳ Vân, xã Minh Đức… Việt Yên có nhiều địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như: Khu Khe Bàn, phường Vân Trung; núi Mỏ Thổ, xã Minh Đức.. Gắn với các di tích, Việt Yên có 134 lễ hội truyền thống. Trong đó có 3 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Bổ Đà, lễ hội Thổ Hà và lễ hội vật cầu nước thôn Vân Hà. Nơi đây cũng có nhiều ngôi làng cổ mang nét đặc trưng riêng… Năm 2009, dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Yên có 18 làng quan họ cổ nên đã thu hút không nhỏ lượng du khách trong nước và quốc tế.. Dù vậy, Việt Yên chỉ thu hút khoảng 300 nghìn du khách/năm. Trong đó, chủ yếu là khách đến chiêm bái, lễ Phật ở các di tích tâm linh nổi tiếng và tập trung vào dịp đầu năm. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương. Nguyên nhân là do hoạt động du lịch tại các điểm di tích còn đơn lẻ, chưa gắn kết với nhau.
Khu tưởng niệm nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Cao Kỳ Vân tại xã Minh Đức. Việt Yên chưa có tour, tuyến du lịch chất lượng cao; sản phẩm du lịch đơn điệu. Đặc biệt, việc đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống còn thấp, chưa hình thành các điểm du lịch hấp dẫn. Nhiều điểm di tích được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn thiếu các điều kiện phục vụ như bãi đỗ xe, khu dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống, bán hàng lưu niệm... Bên cạnh đó, đường giao thông trong các làng cổ và nhiều điểm di tích nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho việc đi lại. Tạo điểm nhấn thu hút du khách Việt Yên phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 1 triệu lượt du khách/năm. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 500 lao động trong lĩnh vực du lịch, trở thành một trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh của tỉnh theo các không gian du lịch quy hoạch như: Du lịch golf, trải nghiệm ẩm thực, ngắm cảnh kết hợp vui chơi giải trí.
Du khách trải nghiệm thu hoạch nho tại điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cùng với hỗ trợ tập huấn cho hợp tác xã du lịch tại các làng nghề về cách thức tổ chức hoạt động, xây dựng tour, tuyến tham quan, trải nghiệm; tuyên truyền, quảng bá thu hút du khách, Việt Yên chú trọng xây dựng hạ tầng du lịch; tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, địa phương đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng (gồm cả nguồn xã hội hóa) để tôn tạo, xây dựng các công trình: Tượng đài danh nhân văn hóa Thân Nhân Trung; tượng đài Hán Quận Công Thân Công Tài; đình, chùa Thổ Hà; chùa Vân Cốc; chùa Bổ Đà; đình Thượng Lát; đền thờ Anh hùng Cao Kỳ Vân... Ông Ngô Đức Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ giáo dục và sinh thái môi trường, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang cho biết, đơn vị tự đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng khu cắm trại, sửa sang khu nhà ở, vườn hoa, khu dịch vụ ăn uống, điểm “check in”… phục vụ khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch sinh thái của trường. Thị xã đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, mở rộng các tuyến đường thôn, tổ dân phố dẫn đến các điểm du lịch, di tích, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hút khách du lịch. Đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên cho biết, địa phương xây dựng điểm nhấn là du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề. Đi đôi với tôn tạo kiến trúc văn hóa vật thể và bảo tồn văn hóa phi vật thể (quan họ, ca trù, chèo) để đáp ứng nhu cầu của khách, Việt Yên còn dành quỹ đất thương mại, dịch vụ tại phường Nếnh, thị trấn Bích Động… thu hút đầu tư xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại. Trong đó chú trọng lựa chọn nhà đầu tư xây dựng khách sạn, dịch vụ ăn, uống, giải trí chất lượng cao để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Bài, ảnh: Thế Đại Nguồn: baobacgiang.vn |