Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực của tái cơ cấu ngành nông nghiệp In
Xem kết quả: / 0
Bình thườngTuyệt vời 

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp triển khai Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị


Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Ninh- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trình bày tóm tắt nội dung Chiến lược. Theo đó, mục tiêu cụ thể mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của chiến lược là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Ông Nguyễn Hữu Ninh- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại Hội nghị

Theo Giáo sư Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là kim chỉ nam cho các đơn vị thực hiện. Để KHCN phát triển thì việc giải phóng nguồn lực rất quan trọng. Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là cần cải cách cơ chế chính sách, thể chế. Với sáng kiến của Bộ NN-PTNT, có thể xây dựng cơ chế thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra đề xuất giúp giải phóng nguồn lực.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đưa ra các ý kiến làm sao tháo gỡ rào cản để KHCN phát triển hơn, chính sách đãi ngộ cho người làm khoa học, cơ chế sử dụng nhân lực sau đào tạo, cơ chế thu hút nhân lực KHCN. Các đại biểu đều nhất trí cần sự phối hợp giữa các đơn vị để có thể chuyển giao công nghệ nhanh chóng, mang lại lợi ích cho người nông dân; nên có sự đầu tư theo chuỗi từ lúc nghiên cứu đến lúc bán kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp kiến nghị triển khai thư viện số của ngành NN-PTNT, thư viện này liên thông với thư viện của các Viện nghiên cứu để các nhà khoa học có cơ hội quảng bá nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Quốc Toản đề xuất thương mại hóa sản phẩm KHCN để phục vụ cho việc chuyển giao và quảng bá sản phẩm KHCN tốt hơn.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, KHCN đóng góp quan trọng và quyết định vào những thành tựu của ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng khá so với các nước. Cụ thể, năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch ước đạt 42,6 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước, ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) của Việt Nam năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn, tăng 5,26%. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 2,7%. Năm 2022, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư 8,5 tỷ USD. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nhờ KHCN, chất lượng hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đảm bảo, đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần nhận thức đầy đủ và nghiêm túc là phát triển KHCN&ĐMST trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Việc tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định sự thành công của Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Khoa học công nghệ có ba trụ cột, đó là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao. Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển KHCN, do vậy cần ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám trong đội ngũ nhân lực KHCN. Để thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong KHCN và ĐMST, cần có các cơ chế tài chính phù hợp từ thu hút vốn xã hội hóa tới việc sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương. Khi nghiên cứu KHCN&ĐMST cần phối hợp với các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm thiết thực. Trước khi thực hiện, cần đặt đầu bài sản phẩm là gì, bán ở đâu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh KHCN&ĐMST thực sự là động lực của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để đón đầu công nghệ tiên tiến trên thế giới, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, các trường đào tạo cần tăng cường hợp tác và chuyển giao công nghệ quốc tế, qua đó hình thành quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài trong lĩnh vực KHCN và ĐMST.

HNN (mard.gov.vn)