Ngành nông nghiệp cần chủ động đổi mới nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo In
Xem kết quả: / 0
Bình thườngTuyệt vời 

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị công tác đào tạo năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều năm qua, hệ thống cơ sở đào tạo bồi dưỡng thuộc Bộ tiếp tục được kiện toàn về tổ chức bộ máy hoạt động theo hướng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 11 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ, bao gồm 8 Viện nghiên cứu và 3 cơ sở sở giáo dục đại học với tổng số 38 chuyên ngành. Trong giai đoạn 2016 - 2021, các đơn vị của Bộ đã tuyển sinh được 488 nghiên cứu sinh; 554 nghiên cứu sinh đã hoàn thành chương trình nghiên cứu và cấp bằng tốt nghiệp.

Công tác đào tạo nghiên cứu sinh tại các viện và các trường của Bộ đã góp phần quan trọng vào đào tạo nhân lực trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ thạc sĩ với 39 chuyên ngành. Trong giai đoạn 2016 - 2021, các cơ sở của Bộ đã tuyển sinh được 11.921 học viên cao học. Số học viên tốt nghiệp giai đoạn này là 10.699 học viên, trong đó 4.185 học viên tốt nghiệp các ngành nông nghiệp.

Cùng với đó, tuyển sinh đại học của các cơ sở đào tạo đại học có xu hướng tăng dần qua các năm từ 10.463 sinh viên năm 2016 lên 14.406 sinh viên năm 2021, tăng gần 40%. Ước tính giai đoạn 2020-2022, các trường cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyển sinh trên 163.000 học sinh, sinh viên, tăng 1,05% so với chỉ tiêu kế hoạch.

Công tác tuyển sinh, đào tạo được quan tâm đầu tư nhiều hơn, hàng năm tuyển sinh đào tạo trên 76.000 học sinh, sinh viên, bước đầu đã gắn kết với thực tiễn sản xuất và các doanh nghiệp trong huy động nguồn lực và định hướng đầu ra cho học sinh, sinh viên. Công tác quảng bá tuyển sinh được các trường quan tâm, thu hút người học, nên công tác tuyển sinh đại học chung của một số trường có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Công tác tuyển sinh khối đào tạo nghề cũng đã có nhiều bước đổi mới, nâng cao chất lượng. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo nghề, các trường đã có nhiều nỗ lực và áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt để thu hút học sinh, sinh viên.

Nhiều trường đã chủ động tiếp cận thực tế và làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động nông nghiệp, ký kết hợp tác đào tạo. Một số trường như trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh đã chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài để đưa sinh viên đi thực tập, cam kết đào tạo nguồn lao động cho doanh nghiệp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành nông nghiệp cũng được quan tâm chỉ đạo. Bộ đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có đủ điều kiện tham gia tổ chức bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Trong 2 năm 2020-2021, Bộ đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 29.000 lượt công chức, viên chức thuộc Bộ để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ và hoàn thiện tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cơ quan quản lý của ngành nông nghiệp cần chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số trong nông nghiệp, xem đây là khâu đột phá chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Đồng thời, thời gian tới, các trường đại học và cao đẳng nghề chủ động đổi mới nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, gắn đào tạo và nghiên cứu với tăng năng suất lao động, tạo ra được những sản phẩm nghiên cứu có chất lượng và gia tăng giá trị nông sản, gắn với tăng trưởng nông nghiệp, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.

HNN (tổng hợp)

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/