Thúc đẩy hợp tác nông, lâm ngư nghiệp Việt Nam - Nhật Bản |
Trong khuôn khổ chuyến đi công tác chính thức tại Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có các buổi làm việc song phương với nhiều cơ quan, tổ chức của nước bạn nhằm thúc đẩy hợp tác nông, lâm ngư nghiệp hai nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan (đứng thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng một số cựu lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản Tại buổi thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản, ông Kaneko Genjiro, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Bộ và truyền thống hữu nghị mà lãnh đạo Chính phủ hai nước xây dựng gần 50 năm qua (từ 21/09/1973). Từ khi trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản nói chung, cũng như ngành nông nghiệp hai nước nói riêng đã có nhiều cam kết hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản - Kaneko Genjiro Trong tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp, hai Bộ đã thống nhất xây dựng và triển khai qua 2 giai đoạn: 2015-2019 và 2020-2024, cùng với 4 Bản Ghi nhớ (MOU) đã ký, bao gồm: MOU hợp tác phổ biến quy chuẩn và chứng nhận liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm, ký ngày 24/04/2018; MOU về phát triển chuỗi giá trị gạo, ký ngày 12/10/2018; MOU về trao đổi công nghệ, kỹ thuật trong thủy lợi; MOU về hợp tác thủy sản, ký ngày 12/12/2020. Đây là khuôn khổ pháp lý để Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản triển khai nhiều hoạt động hợp tác thời gian qua, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Hai Bộ trưởng đều thống nhất cùng nỗ lực để thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông báo việc mở cửa thị trường cho quýt Uysu của Nhật Bản vào Việt Nam từ tháng 10/2021. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Bộ trưởng Kanedo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phía Nhật Bản nhanh chóng hoàn thành thủ tục để mở của cho quả nhãn tươi của Việt Nam vào Nhật Bản trong vụ thu hoạch năm 2022, áp dụng kiểm tra trực tuyến hoặc tạo điều kiện thúc đẩy nhanh thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu gia cầm đã qua xử lý nhiệt sang Nhật Bản. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất sẽ thúc đẩy việc mở của thị trường cho quả bưởi của Việt Nam và nho của Nhật Bản trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã thông báo cho Bộ trưởng Kanedo việc Việt Nam đang thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững, tích hợp đa giá trị, nhằm đóng góp quan trọng việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 63% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và 33% lao động. Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự đồng hành và hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, và trực tiếp là Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản. Nền nông nghiệp hai nước có nhiều xuất phát điểm tương đồng như văn minh lúa nước, phần lớn dân số làm nông nghiệp, hay đặc điểm ruộng đất manh mún. Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ Nhật Bản trong phát triển kinh tế hợp tác, tinh thần cộng đồng, phát triển sản phẩm OVOP (nhất thôn, nhất phẩm), ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu… Nhân dịp này, hai Bộ trưởng đều thống nhất thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa 2 Bộ trong thời gian tới, bao gồm: (1) Triển khai hiệu quả trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2020-2024; (2) Tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung trong các thỏa thuận MOU đã ký kết; (3) Hợp tác trao đổi học thuật; khoa học công nghệ giữa các viện trường; (4) Ủng hộ và thúc đẩy các hợp tác nông lâm ngư nghiệp giữa các địa phương; (5) Tạo điều kiện và thúc đẩy kết nối doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư trong nông nghiệp giữa hai nước. Tăng cường ứng phó, giảm thiệt hại thiên tai Cùng ngày 24/11, Bộ trưởng Lê Minh Hoan hội kiến với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản, ông Saito Tetsuo. Lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước giai đoạn 2020-2024, hợp tác phòng chống thiên tai, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi và quản lý nguồn nước là những nội dung lớn, được ưu tiên. “Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Khu vực này đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do ảnh hưởng của sụt lún, sạt lở, ngập, xâm nhập mặn, lũ và biến đổi dòng chảy sông Mê Kông”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ. Nhằm ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Việt Nam đã triển khai một loạt giải pháp. Cụ thể, Việt Nam thích nghi với biến đổi khí hậu theo hướng tôn trọng các quy luật tự nhiên, chuyển đổi các mô hình phát triển thích nghi và khai thác cơ hội từ biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị đảm bảo năng lực cảnh báo, dự báo, khả năng chống chịu trước thiên tai. Hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, đa chức năng, phục vụ cho cây lúa, thủy sản, cây trồng cạn, cây lâu năm cũng là một biện pháp được Việt Nam chú trọng. Hệ thống công trình thuỷ lợi được thiết kế không chỉ phục vụ sản xuất mà còn đảm nhiệm trọng trách tiêu thoát nước và phòng chống lụt bão, cải tạo môi trường sinh thái. Song song với thủy lợi, Việt Nam còn thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính còn hiện hữu trong việc quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất. Những nỗ lực và cam kết nêu trên đã được Việt Nam thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Mục tiêu của Việt Nam là giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Trong hành trình ấy, Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận sự đồng hành của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản. Hai Bộ đã có Thỏa thuận hợp tác ký năm 2012, sau đó là 2020.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (ngồi trước bên phải) thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản - Saito Tetsuo Nhiều hoạt động thực tiễn đã được hai bên triển khai như: phía Nhật Bản đã cử 3 chuyên gia sang làm việc, hỗ trợ kỹ thuật tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT); phối hợp tổ chức 8 hội nghị; các đoàn công tác hai nước thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; nhiều cuộc họp kỹ thuật giữa các doanh nghiệp Nhật Bản do Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản giới thiệu đã được kết nối với các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương. Đặc biệt, sau cơn bão lịch sử Hagibis năm 2019, Nhật Bản đã hỗ trợ, giới thiệu và trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Việt Nam về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả tại hiện trường của Nhật Bản. Đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản, Bộ NN-PTNT đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ 5 vấn đề. Đó là: (1) Thảo luận tiến tới ký kết Bản Ghi nhớ giai đoạn 2023-2026 trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; (2) Đẩy mạnh trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về các chủ đề: lũ quét; sạt lở đất; sạt lở bờ sông, bờ biển; phòng chống lũ trong sông; lũ đặc biệt lớn; ngập lụt đô thị; (3) Ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương như ADRC, APEC, ASEAN, các hoạt động thực hiện Khung Sendai; (4) Ủng hộ các hoạt động song phương như: thực hiện các dự án của JICA tại Việt nam; chia sẻ kinh nghiệm, về Trung tâm Điều hành; hợp tác trong tình huống khẩn cấp; ứng dụng công nghệ mới; xây dựng và hình thành các dự án hợp tác mới; (5) Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” và “Hợp tác kỹ thuật để quy hoạch phát triển về Phục hồi sau lũ lụt và Xây dựng Quy hoạch tổng thể về phòng, chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam”. Nâng tầm chương trình OCOP Bên cạnh các buổi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước của Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT còn làm việc với Phó Chủ tịch JICA, ông Shinichi Yamanaka. Đây là lần thứ hai ông thăm tổ chức này, và bày tỏ sự ấn tượng với là tinh thần “Omoiyari”. Omoiyari là một từ kết hợp của omou và yaru. Omou nghĩa là suy nghĩ hoặc cảm nhận, được sử dụng trong nhiều tình huống, từ bày tỏ ý kiến đến tưởng nhớ những người đã khuất. Trong khi đó yaru nghĩa là làm, cho đi hoặc đảm đương. Chính động từ này đã khiến “omoiyari” trở thành một từ của sự hào hiệp và cảm thông, được miêu tả trong cuốn sách cùng tên của Fukuzawa Yukichi, và được Bộ trưởng Lê Minh Hoan truyền cảm hứng đến nhiều cán bộ quản lý hợp tác xã ở Việt Nam về tinh thần, suy nghĩ trong xây dựng của đất nước của người Nhật Bản. “Tôi có một số người bạn JICA kể từ khi còn làm việc ở Đồng Tháp và ấn tượng sâu đậm về JICA cũng như con người Nhật Bản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bộc bạch.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch JICA - Shinichi Yamanaka Trong buổi gặp lãnh đạo JICA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại kỷ niệm trong những lần đến thăm các hợp tác xã của Nhật Bản, thăm tỉnh Oita là nơi bắt đầu phong trào “Nhất thôn –Nhất phẩm”. Bộ trưởng nhấn mạnh, “Tôi đứng ở đó và hình dung làng quê này làm thế nào để phát triển, xây dựng và quảng bá sản phẩm. Nước Nhật đã làm thế nào để có thể tự lực, tự cường phát triển. Từ đó, tôi suy nghĩ làm sao có thể phát triển sâu rộng hơn chương trình OCOP ở Việt Nam. Trong thời gian 2021-2025, tôi mong muốn sẽ nâng tầm chương trình OCOP sâu rộng hơn” Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự giúp đỡ từ phía Nhật Bản đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên từ 2015-2019, Việt Nam đã tiếp nhận và thụ hưởng 10 dự án ODA của Nhật Bản, bao gồm 5 dự án vốn vay và 5 dự án hỗ trợ kỹ thuật, triển khai ở nhiều tiểu lĩnh vực/phân ngành, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành. Bộ trưởng thống nhất với phía JICA về việc rà soát nghiêm túc để thúc đẩy tiến độ các dự án đang triển khai, và xác định ưu tiên kỹ lưỡng đối với các dự án chuẩn bị đề xuất JICA hỗ trợ trong thời gian tới. Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã giới thiệu sản phẩm OCOP của Việt Nam tới các vị lãnh đạo và doanh nghiệp của Nhật Bản./. https://www.mard.gov.vn/ |