Bàn giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh In
Xem kết quả: / 0
Bình thườngTuyệt vời 

BẮC GIANG - Ngày 29/10, Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tham vấn giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh".

Tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và giáo sư, tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nhấn mạnh: Những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Tuy vậy, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cả nước và thế giới gần đây liên tiếp có diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật.

Gần đây nhất là cơn bão số 3 (Yagi), bão số 6 (Trami) với sức mạnh chưa từng có đã gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của nước ta, trong đó ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần sớm có giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về chính sách nhằm chủ động hơn trong công tác ứng phó; hỗ trợ DN khôi phục sản xuất nông nghiệp tại vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trao đổi tại tọa đàm.

 

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed nêu: Nông nghiệp là một trong ba ngành kinh tế được xác định là xương sống của quá trình phát triển hiện nay (cùng với du lịch và kinh tế số).

Để phòng ngừa rủi ro, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với ngành nông nghiệp, Đảng, Nhà nước cần có các chính sách miễn, giảm các nghĩa vụ của DN như: Miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, tiền thuê đất. Xây dựng các gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho các DN ngành nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh. Các gói hỗ trợ này có thể bao gồm việc giảm lãi suất vay vốn, gia hạn thời gian trả nợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi để giúp đơn vị tái đầu tư sản xuất.

 

Quang cảnh tọa đàm.


Một số đại biểu khác cũng cho rằng từ những hậu quả nặng nề của trận bão, lũ lịch sử vừa qua cho thấy Việt Nam cần sớm ban hành chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đẩy mạnh việc triển khai các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, giúp DN giảm thiểu rủi ro tài chính trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Có thể xem xét hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho DN, mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với nhiều loại hình nông sản và cây trồng khác.


Giáo sư, tiến sĩ Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang trao đổi tại tọa đàm.

 

Ngoài ra còn một số giải pháp khác hỗ trợ DN tham gia khắc phục thiệt hại của ngành nông nghiệp như: Hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ; tiêu thụ sản phẩm, tái cơ cấu sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng. Quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất và sử dụng công nghệ. Điều này sẽ giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, từ đó khôi phục nhanh chóng hơn sau thiên tai và dịch bệnh.

Buổi tọa đàm được tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án.

Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại tọa đàm được Ban tổ chức tổng hợp đề xuất với các bộ, ban, ngành T.Ư kịp thời xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tin ảnh: Mai Toan

Nguồn: baobacgiang.vn